Thành cổ Sơn Tây


Thành cổ Sơn Tây được xây dựng năm 1822 (năm Minh Mạng thứ 3) nằm giữa thị xã Sơn Tây cách trung tâm Thủ đô Hà Nội hơn 40km. Đây được đánh giá là công trình kiến trúc quân sự cổ độc đáo nhất Việt Nam.

Thành cổ Sơn Tây

Thành cổ Sơn Tây

Thành cổ Sơn Tây được xây bằng đá ong, thành có hình vuông với chiều dài một bên thành là khoảng 400m, cao 5m với tổng diện tích là 16 ha được xây theo kiểu kiến trúc Vauban (kiểu công trình quân sự cho kỹ sư người Pháp là Vauban thiết kế).
Thành có 4 cổng chính quay ra bốn hướng Nam, Bắc, Tây, Đông với lần lượt các tên là cổng Tiền, cổng Hậu, cổng Hữu và cửa Tả. Thành có hào nước bao xung quanh, nhưng chỉ có cổng Tiền và Hậu mới có cầu bắc qua hào nước dẫn vào cổng thành. Cổng Tiền hướng ra phố Quang Trung, cổng hậu hướng phía phố Lê Lợi thẳng tới bờ sông Hồng, cổng Tả nhìn ra chợ Nghệ (phố Phùng Khắc Khoan) còn cổng Hữu hướng về phố Trần Hưng Đạo (Đệ Nhị cũ). Các cổng thành đều có hình tứ giác và có mặt cắt hình thang. Phía trên cổng là lầu canh và chỉ có một lối ra vào duy nhất từ mỗi cổng.
Phía ngoài tường thành được đắp Dương mã thành hay còn được gọi là mang cá có hình chóp để che chắn. Bề mặt tường thành có được thiết kế có nhiều lỗ để quân lính nấp từ trong bắn súng ra ngoài. Phía trong thành có các công trình được xây dựng đối xứng với trục trung tâm hướng Nam- Bắc. Chính giữa thành là Vọng lâu, nơi nghỉ của vua khi đi tuần hay nơi để các quan trong trấn hằng năm tới tế lễ hoặc bái vọng. Phía tây thành là võ miếu, là nơi thờ các tướng sĩ đã anh dũng hi sinh khi chiến đấu bảo vệ thành. Còn ở bốn góc thành xưa có bốn chiếc giếng hình vuông, có bậc đá ong xuống đấy để cung cấp nước sinh hoạt cho quân lính.
Thành cổ Sơn Tây được xây dựng với mục đích cai trị cả một đất vùng rộng lớn: nửa tỉnh Hà Tây cũ, gần hết diện tích tỉnh Phú Thị và toàn bộ tỉnh Vĩnh Phúc. Bên cạnh đó còn trấn trị cả vùng Tây Bắc, khu vực thượng lưu sông Hồng và lưu vực sông Lô, sông Chảy.
Ụ pháo phía trong thành cổ Sơn Tây

Ụ pháo phía trong thành cổ Sơn Tây

Thành cổ Sơn Tây đã được Bộ Văn hóa công nhận là di tích lịch sử kiến trúc quốc gia vào năm 1994. Trải qua gần 200 năm, chịu đựng sự phá hủy của thời gian và chiến tranh, thành cổ Sơn Tây ngày nay chỉ còn lại những bức tường thành rêu phong, hai cửa Tiền và Hậu, hai khẩu súng thần công, và một số phế tích khác như điện Kính Thiên, Vọng lâu, giếng nước, … đã bị những cây cổ thụ trăm năm bám rễ. Dù không còn toàn vẹn như trước nhưng thành cổ Sơn Tây vẫn còn đó vẻ cổ kính, oai phong, uy thế của một thời kỳ lịch sử hào hùng và những giá trị lịch sử to lớn.