Phố Hàng Bông |
Phố Hàng Bông dài 932m, nối phố Hàng Gai với phố Cửa Nam, thuộc phường Hàng Bông, quận Hoàn Kiếm, trong khu phố cổ Hà Nội.
Ngõ Hàng Bông dài hơn 80m, từ phố Tống Duy Tân đến
phố Hàng Bông. Ngõ này thời Pháp tên là phố Rue Lhonde. Sau năm 1945 đổi là ngõ
Cấm Chỉ (vì chỗ này là nơi “cấm chỉ” không cho một ai đi qua khi đã có trống
thu không, tức là vào lúc chiều tối). Đến năm 1954, đổi là ngõ Hàng Bông Lờ. Từ
tháng 6/1964 đến nay mang tên ngõ Hàng Bông. Ngõ này cùng với phố Tống Duy Tân
tạo thành khu phố ẩm thực của Thủ đô.
Về tên phố
Cái tên Hàng Bông (Rue du Coton) thực ra chỉ mới có khoảng tám chục năm nay, do thực dân Pháp dùng để gọi gộp nhiều phố. Trước đó, phố này chia ra nhiều đoạn với những tên gọi khác nhau.
- Đoạn đầu, ngay chỗ giáp phố Hàng Gai đến đầu phố
Hàng Mành có tên là phố Hàng Hài vì thời trước ở đây sản xuất và bày bán các loại
hài, hài thật phục vụ các quý ông, quý bà thì đế bằng gỗ vông, mũi bằng lụa
thêu kim tuyến; hài giả để phục vụ các thánh, các mẫu ở đền miếu thì bằng giấy
ngũ sắc, trang kim. Đến thời Pháp thuộc, nghề làm hài không còn đất sống nên
dân phố chuyển sang bán giấy, thay cho phố Hàng Giấy lúc này đã chuyển thành phố
các nhà hát ả đào.Về tên phố
Cái tên Hàng Bông (Rue du Coton) thực ra chỉ mới có khoảng tám chục năm nay, do thực dân Pháp dùng để gọi gộp nhiều phố. Trước đó, phố này chia ra nhiều đoạn với những tên gọi khác nhau.
Đây là phần đất thôn Cổ Vũ. Thôn này từ giữa thế kỷ 19 hợp nhất với thôn Kim Bát thượng thành thôn Kim Cổ.
- Nối tiếp Hàng Hài là phố Hàng Bông Đệm (từ Hàng Mành đến đầu Hàng Da) là nơi bật bông và bán các loại chăn đệm, cốt áo bông. Cũng có nhiều hiệu làm đối trướng đỏ rực cả phố (như phố Hàng Quạt ngày nay). Ngoài ra, đoạn này còn có nhiều cửa hàng ăn. Ngay đầu phố chỗ nối với Hàng Hài ở hai bên có hai nhà hàng cao lâu của người Hoa là Quảng Sinh Long (số 16) nổi tiếng về chim quay và Tụ Hưng lâu (số 23) nổi tiếng về cơm gói lá sen.
Nhà hàng Phương Viên (số 38) là nơi nhiều nhà nho lui tới bàn quốc sự, đến năm 1930 thành Khách sạn Việt Nam, một cơ sở kinh doanh và nơi liên lạc của Việt Nam Quốc dân đảng (của Nguyễn Thái Học). Nhà số 57 là khách sạn Lạc Xuân nổi tiếng về phở xào và cơm rang. Khoảng những năm 1937-1938, trên cơ sở đất đai của một xưởng in cũ (số 63) người ta đã xây một khách sạn lớn tên là ASIA do người Hoa mở.
Đây thuộc đất thôn cũ Kim Bát hạ. Cả hai thôn Kim Bát thượng và hạ đều thuộc tổng Tiền Cúc, huyện Thọ Xương; tới giữa thế kỷ 19, tổng này đổi thành Thuận Mỹ.
- Tiếp đến là đoạn phố Hàng Bông-Cây đa Cửa Quyền, nơi có ngôi miếu nhỏ thờ cô Quyền nào đó. Cạnh miếu có cây đa nên cũng gọi cây đa cô Quyền hoặc cây đa Cửa Quyền. Sau ngôi miếu bị sét đánh đổ và cây đa bị đốn nhưng cái tên cô Quyền hoặc Cửa Quyền thì để lại cho đoạn phố này.
Đây là phần đất thôn Thương Môn Đông hạ, tổng Tiền Nghiêm. Sau thôn này hợp với thôn Anh Mỹ thành thôn Đông Mỹ và tổng này cũng đổi ra tổng Vĩnh Xương.
Đoạn phố này vẫn có những nhà bật bông, làm đối trướng, mấy nhà làm khăn mũ, mấy cửa hàng đồ điện, cắt tóc... Cuối đoạn phố bên số lẻ có mấy cửa hàng cho thuê ôtô con như các số 119, 121. Bên kia đường, số 118 là nhà Mỹ Ký (bảng hiệu là Mieky) chế tác và bán các đồ kim hoàn bằng vàng giả.
- Nối với Hàng Bông-cây đa Cửa Quyền là Hàng Bông Lờ (đoạn từ ngõ Hội Vũ tới đầu phố Cửa Nam). Gọi như vậy vì ở đây có bày bán các dụng cụ đánh cá như lờ, đó, chúm.
Đây chính là phần đất thôn Yên Trung hạ, tổng Tiền Nghiêm (sau là Vĩnh Xương). Xưa hơn nữa, nơi đây chuyên nhuộm màu xanh nên có tên là phố Hàng Lam.
Phố của các ngôi đền
Hàng Bông là dãy phố còn giữ được khá nhiều đình miếu cổ như đền Kim Cổ, đền Lương Ngọc, đình Kim Hội, đền Vọng Tiên, đình Thiên Tiên, đình Đông Mỹ.
Đền Kim Cổ ở nhà số 2 thờ ông tổ nghề làm gương soi. Truyền thuyết kể rằng ông tổ này là người phúc đức, hễ nhà nào có trẻ lạc thì ông đi tìm bằng được, do vậy dân còn gọi là ông Phúc Hậu và đền còn có tên là đền Phúc Hậu.
Đền Lương Ngọc nhà số 68A là do dân làng Lương Ngọc (nay thuộc huyện Bình Giang, Hải Dương) ra trú ngụ tại Thăng Long xây dựng lên để thờ vọng về quê.
Đình Kim Hội nhà số 95, thờ Trần Hưng Đạo. Ở đây có câu đối: “Tây kết phấn binh uy, vạn cổ anh thanh kinh Bắc địa/ Đông A lưu thánh tích, thiên thu linh ứng chấn Nam thiên," có nghĩa là: Tây kết dấy quân uy, muôn thủa danh tiếng anh hùng làm đất Bắc (Trung Quốc) kinh hãi/ Đông A (họ Trần) lưu dấu thánh, nghìn năm sự linh ứng vang dội trời Nam.
Đình Thiên Tiên nhà số 120 thờ Thái úy Lý Thường Kiệt.
Đền Vọng Tiên nhà số 120B là nơi ghi dấu huyền thoại Lê Thánh Tông (1460-1497) gặp tiên. Chuyện kể rằng có một lần vua đi vãng cảnh chùa Ngọc Hồ bắt gặp một thiếu nữ xinh đẹp. Cô này đã chữa thơ cho vua. Vua cảm phục, mời lên xe loan đưa về cung. Nhưng mới đi tới cửa Đại Hưng thì cô biến mất. Vua bèn sai lập đền thờ ngay ở chỗ đó gọi là lầu Vọng Tiên. Đến đời Gia Long xây thành mới, cửa Đại Hưng và lầu này bị dỡ. Dân dời lầu về chỗ hiện nay. Như vậy đền Vọng Tiên ngày nay chỉ có thể được xây dựng từ sau khi xây thành Thăng Long, tức là sau năm 1850.
Phố Hàng Bông qua các thời kỳ
Phố Hàng Bông còn có nhiều duyên với nhà báo. Từ 1913 có báo Đông Dương tạp chí ở nhà số 63, rồi Tân Thanh tạp chí ở 26, Văn học tạp chí ở 195, đặc biệt ở 93 Hàng Bông từ 1932-1945 từng là nơi ra lò rất nhiều báo chí: Tiểu thuyết thứ bảy, Phổ thông bán nguyệt san, Tao Đàn, ích Hữu, Truyền bá...
Thời Pháp thuộc phố Hàng Bông là dãy phố thương mại đa dạng. Cửa hàng Xuân Dung chuyên bán xe đạp của hãng Peugoet sterling, Meteor; Cửa hàng Đa Phúc bán máy hát; Cửa hàng Kim Điệp bán kem đầu tiên của Hà Nội; Nhà hàng trồng răng Sinh Sinh; Hiệu cắt tóc Phạm Ngọc Phúc tập hợp những người thợ giỏi của làng nghề Kim Liên kiêm cả uốn tóc; Hiệu giò chả Quốc Hương của người làng Ước Lễ có hàng trăm năm tuổi và hàng loạt hiệu bán đồng hồ, kính bút, vật liệu điện rải rác trên phố.
Hàng Bông thực ra còn là dãy phố gắn bó nhiều với văn hóa: Trong những năm đầu thời Pháp thuộc, thực dân đã lập ra một trong số vài trường tiểu học đầu tiên ở nhà số 145. Cũng ở đây có nhiều nhà in chữ quốc ngữ đầu tiên của Hà Nội: Nhà in Nghiêm Hàm (số 58), nhà in Phúc Vĩnh Thành (số 63), nhà in Tân Dân (số 93), nhà in Mạc Đình Tư (số 136).
Cũng ở đây tập trung nhiều hiệu sách: Cẩm Văn đường có từ đầu thế kỷ 20 ( số 11), Tản Đà thư điếm (số 58), Quốc Hoa (số 41), Đông Tây (số 193)...
Đối với lịch sử cách mạng, tại nhà số 177, vào đầu tháng 6/1930, là nơi thành lập Ban chấp hành Đảng bộ Hà Nội và ông Nguyễn Ngọc Vũ được cử làm Bí thư Thành ủy.
Hàng Bông có chiều dài thật ngoạn mục, lòng đường, vỉa hè rộng rãi. Một thời từ sáng sớm khi trời còn mờ sương, xa xa đã thấy nhấp nháy tia lửa lóe xanh trên cần tàu điện và tiếng chuông leng keng rộn rã reo vui báo hiệu một ngày mới bắt đầu. Từng đoàn tàu sơn đỏ băng băng chở hành khách, hàng hóa cùng những quang gánh vắt toa là hình ảnh thân quen gần gũi và rất Hà Nội trong thời chiến.
Ngày nay, phố Hàng Bông sầm uất tấp nập và buôn bán phong phú đa dạng. Đầu phố là cửa hàng vàng bạc đá quý Kim Quy gồm các số nhà 11, 13, 15, tiếp đó là tiệm vàng Thanh Bình, Kim Lai cùng nhiều cửa hàng vàng bạc khác trên phố như Bảo Tín, Hoàng Long, Tuyết Mai... tạo nên sự giàu có sang trọng của khu phố thương mại. Giữa phố có tới gần 20 cửa hàng biển hiệu đỏ rực chuyên in, thêu, may cờ, khẩu hiệu, quần áo thể thao...
Vào ngày lễ hội hay những giải bóng đá lớn, vỉa hè Hàng Bông bày bán đủ các loại cờ các cỡ, băng rôn, quấn đầu, quấn mũ phục vụ cho các cổ động viên nồng nhiệt. Rải rác trên phố là các cửa hàng điện lạnh, nhiệt điện, vật liệu điện, dịch vụ sửa chữa điện./.
Theo (TTXVN/VietNam+)