Nơi khởi nguồn của phố kim hoàn Hàng Bạc

Phố Hàng Bạc

Phố Hàng Bạc

Ẩn chứa sau không gian thanh bình, cổ kính của làng Châu Khê, xã Thúc Kháng, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương, một làng cổ thuộc tả ngạn sông Cửu An, là tầng dầy một lịch sử làng nghề vàng bạc nổi tiếng của Việt Nam - điểm khởi phát cho phố Hàng Bạc (Hà Nội). 

Nơi đây, những người thợ Châu Khê đang ngày đêm sáng tạo ra những sản phẩm vàng bạc quý giá, tinh xảo cho đời, góp phần duy trì nghề truyền thống của ông cha và sự phát triển nghề kim hoàn ở Việt Nam.

Ông Phạm Minh Tiến, Trưởng Ban quản lý Di tích Châu Khê, một nghệ nhân mỹ nghệ kim hoàn cho biết: “Nghề thủ công vàng bạc Châu Khê được xuất phát từ nghề đúc bạc nén dưới triều vua Lê Thánh Tông (thế kỷ 15), do Thượng thư Bộ lại Lưu Xuân Tín, một người làng dẫn dắt.
Thời đó, Thượng thư Lưu Xuân Tín được triều đình tín nhiệm, giao cho trọng trách lập “Trang đúc bạc nén”, làm tiền tệ tại kinh thành Thăng Long. Ông đã dành đặc ân cho dân làng Châu Khê lên Thăng Long lập xưởng đúc bạc, từ đây có nghề vàng bạc Châu Khê (Hải Dương) và phố Hàng Bạc (Hà Nội).

Ðến đầu thế kỷ 19, triều Nguyễn dời đô vào Huế, nghề đúc bạc nén chuyển vào theo. Nhưng phần lớn thợ Châu Khê vẫn ở lại Thăng Long (Hà Nội) làm nghề kim hoàn. Họ tập trung thành phường và xây dựng nên phố Hàng Bạc”.

Ngoài dân Châu Khê đến trước, phố Hàng Bạc còn tập hợp thêm thợ vàng làng Định Công, huyện Thanh Trì (Hà Nội) và thợ bạc làng Đồng Sâm, huyện Kiến Xương (tỉnh Thái Bình). Người ta sản xuất, buôn bán bạc, kể cả đổi bạc nén lấy bạc vụn làm nguyên liệu. Cho nên vào những năm đầu thế kỷ XX, phố này còn có tên tiếng Pháp là Rue des Changeurs (Phố những người đổi bạc).

Từ nghề đúc bạc, những người thợ Châu Khê đã phát triển lên nghề làm đồ trang sức vàng bạc. Nghề kim hoàn làng Châu Khê từ đó ngày càng phát triển.

Anh Hoàng Đình Dương, chủ nhiệm Hợp tác xã mỹ nghệ kim hoàn Châu Khê cho biết: “Đối với thợ Châu Khê, dù sản xuất - chế tác, mở cửa hiệu làm khuôn mẫu ở kinh thành hay tại quê, họ đều có ý thức tích lũy phát huy kinh nghiệm ông cha và nỗ lực sáng tạo vươn lên tới đỉnh cao của nghề nghiệp, đạt đến độ tinh xảo trong từng chi tiết. Người làng luôn nghiêm khắc với bản thân, giữ đức tính “Trung thực, nhạy cảm, tinh tế, cẩn thận, gọn gàng, kiên trì, tài ba và lịch thiệp”

Nhiều nghệ nhân của làng đã đến tuổi “xưa nay hiếm” như các cụ Phạm Đình Hòa, Nguyễn Đình Tuân, Phạm Đình Phách, Phạm Đình Đĩnh, Lê Xuân Đương, nhưng vẫn đam mê với nghề, chỉ bảo con cháu gìn giữ cốt cách của vàng bạc Châu Khê... Trong số họ, đã có 6 cá nhân được phong tặng Nghệ nhân Quốc gia mỹ nghệ kim hoàn đá quý.

Không chỉ “người làng gốc”, ngay cả người Châu Khê ở phố Hàng Bạc (Hà Nội) vẫn rất gắn bó, hỗ trợ nhau cả trong làm nghề, buôn bán, đến sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng. Tuy sống ở “phố” nhưng họ vẫn giữ tình “làng bản”, cứ đến ngày 19 tháng Giêng âm lịch hàng năm, họ lại nô nức về “dự hội làng”, làm lễ dâng hương báo công với “Đức Thành Hoàng và giỗ Tổ nghề kim hoàn”.

Nghề kim hoàn của Châu Khê qua nhiều thế kỷ, có lúc thăng lúc trầm nhưng ngày càng phát triển. Đặc biệt, trong khoảng gần 100 năm trở lại đây, làng nghề Châu Khê đã đạt tới đỉnh cao về kỹ thuật sản xuất, chất lượng và số lượng sản phẩm vàng bạc trong cả nước.

Hiện nay, ở Hà Nội có khoảng 60 xưởng và cửa hàng vàng bạc của làng. Sản phẩm vàng bạc Châu Khê đã có mặt trong các cửa hàng vàng bạc mỹ nghệ trong nước và thế giới, góp phần làm cho cuộc sống thêm đẹp hơn.

Trong khi đó, làng Châu Khê cũng phát triển khá toàn diện trở thành một làng nghề, làng văn hóa tiêu biểu của huyện Bình Giang (Hải Dương). Trong gần 600 thợ của làng có hơn 60% đạt tay nghề bậc 4, bậc 5/7 và được cấp chứng chỉ của ngành kim hoàn Việt Nam. Đây là một bước phát triển về chất của làng nghề Châu Khê.

Các sản phẩm mỹ nghệ của Châu Khê, với nhiều kiểu dáng, mẫu mã phong phú và chất liệu đa dạng như bạc, vàng tây, vàng ta, vàng trắng, đá quý, kim cương có sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa cách làm thủ công truyền thống với công nghệ hiện đại, luôn hấp dẫn khách hàng.

Ngày nay tại phố Hàng Bạc vẫn còn nhiều điểm “di tích” ghi dấu của con người làng Châu Khê. Đó là số nhà 58 xưa là Trang đúc bạc nén; số nhà 50 (trước là Ðình Thượng) và số 42 (là Ðình Hạ), là chỗ giao dịch, thu nhận bạc nén thành phẩm. Ngoài ra, người làng Châu Khê còn làm thêm một đình nữa, gọi là “Châu Khê vọng sở cổ từ” (ở số nhà 30 phố Hàng Giầy), là nơi hội họp và thờ thành hoàng.

Hướng tới Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, vào năm 2010, Ban Quản lý di tích Châu Khê đang náo nức góp sức chuẩn bị cho “Lễ hội nghề kim hoàn” sẽ diễn ra tại phố Hàng Bạc./. 

Theo (TTXVN/VietNam+)