Phố Hàng Điếu

Phố Hàng Điếu

Phố Hàng Điếu

Hàng Điếu, con phố 1 thời gắn với những điếu cày,điếu bát… nay phố nhộn nhịp mua bán, minh chứng cho sự đổi thay của những phố hàng, phố nghề Hà Nội qua các thời kỳ.

Phố Hàng Điếu, dài 280 mét nằm trong khu phố cổ Hà Nội, thuộc quận Hoàn Kiếm, kéo dài từ đầu phố Hàng Gà tới phố Đường Thành. Phố nguyên là đất thôn Yên Nội, tổng Tiền Túc, huyện Thọ Xương, kinh thành Thăng Long xưa.

Theo tên gọi phố xưa chuyên làm và bán các loại điếu cày, điếu bát, điếu ống bịt bạc hoặc vàng… Trước thời chưa có thuốc lá, các loại điếu trên phố là 1 phần không thể thiếu của nhiều người đặc biệt với các nhà giàu có, nam giới. 
Thời xưa, ngoài miếng trầu là đầu câu chuyện, thuốc lào cũng được đem ra để mời khách. Mà như dân gian xưa có câu ca dao hay những bài truyền miệng: 
Nhớ ai như nhớ thuốc lào
Đã chôn điếu xuống lại đào điếu lên
Rồi
Thuốc lào chồng hút vợ say
Thằng cu châm điếu lăn quay ra nhà
Có cô hàng xóm đi qua
Hít phải hơi thuốc say ba bốn ngày
Hay
Một thằng hút bốn thằng say
Hai thằng châm điếu ngã lăn quay
Bà già vác củi loay hoay
Rít phải hơi thuốc lăn ngay xuống đồi
Ngọc hoàng thấy vậy, phán: "hay!"
Vén mây nhìn xuống cũng say thuốc lào

Cái tên Hàng Điếu xưa gắn với đoạn cuối và giữa phố, đoạn đầu Hàng Gà xưa dân quen gọi là Nhà Hỏa (Phố Nhà Hỏa ngày nay, khi xưa là ngõ Nhà Hỏa), bởi ở số nhà 30 trên phố xưa là đền Nhà Hỏa, thờ thần Hỏa, người được coi là có uy lực trừ hỏa hoạn. Đền này được xây dựng năm 1838 với quy mô nhỏ, tới năm 1841 được mở rộng. Trong đền có đặt 1 quả chuông lớn, dùng để báo động khi xảy ra hỏa hoạn. So với nhiều ngôi đền khác ở Hà Nội, đền Hỏa Thần là 1 di tích lớn và đã được công nhận là di tích lịch sử - văn hóa vào năm 1996.

Phố Hàng Điếu tới những năm đầu thế kỷ 20 chỉ còn lại vài ba nhà bán điếu và bịt bạc các loại điếu bát, điếu ông. Các hàng điếu đã chuyển về các phố Bát Đàn, Bát Sứ gần đó. Hàng Điếu thời điểm đó xuất hiện nhiều nhà làm và bán đồ da.

Cùng là đồ da nhưng mặt hàng ở Hàng Điếu khác với phố Hà Trung gần đó. Phố Hà Trung chuyên làm yên ngựa, túi súng, cặp sách… từ da Tây, còn Hàng Điếu làn giày dép bằng da ta, giày da lộn… Các cửa hàng này phần lớn do người dân làng Chắm từ các phố Hàng Giầy và ngõ Hài Tượng rời sang… Ngoài ra xen kẽ còn có các cửa hiệu lớn của người Hoa mở ra trên phố như hiệu Đông Hòa, Mậu Xương…

Những năm đầu thế kỷ 20, Hàng Điếu còn có 1 số nhà in mở ra, trong đó nổi tiếng phải kể đến nhà in Nhật Nam. Đây là địa chỉ quen thuộc của các tác giả nổi tiếng văn học Việt Nam thời đó như Ngô Tất Tố, Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Tuân….
Những ngày đầu kháng chiến chống Pháp bùng nổ, tháng 12/ 1946, Hàng Điếu là tuyến đầu của các cuộc giao tranh ở Thủ đô. Nhiều nhà cửa trên phố thời đó bị phá hủy nặng nề.
Hòa Bình lập lại sau năm 1954, Hàng Điếu lại sống với nghề sửa chữa đồ da, cắt lốp xe làm dép, khâu chậu, thùng, xô, có 1 số nhà đóng dép xăng-đan…

Tại điểm giao Hàng Điếu - Hàng Da – Đường Thành là trung tâm thương mại Hàng Da, xưa là chợ Hàng Da. Đây nguyên là một chợ nhỏ, kiểu chợ làng, bán rau và chủ yếu bán da trâu bò sống được phơi khô. Trong chợ thì chỉ có vài cái lều tạm cho nên các gánh hát hay gánh xiếc thường thuê chợ để diễn vào buổi tối. Mãi tới khoảng năm 1937-1938 mới được xây, chợ từ đó được định hình.
Ngày nay Hàng Điếu tập trung nhiều nhà bán chăn đệm, bông, mút… Dọc phố có nhiều nhà mở hàng ướp chè sen, bán ô mai, mứt kẹo, bánh xu xê, mứt sen… phục vụ cưới hỏi.

Hai dãy phố nhiều hàng ăn ngon nổi tiếng được mở ra như tiệm xôi chè, miến lươn, bún bò, nước mía,… phục vụ nhu cầu cuộc sống mới.

Hàng Điếu nay đã vắng bóng những điếu ống, điếu bát… thay vào đó là đầy dãy những cửa hàng buôn bán nhiều loại mặt hàng phong phú đa dạng. Phố trở thành 1 trong những minh chứng cho sự linh hoạt thay đổi cùng xã hội qua các thời kỳ, biểu thị cho sức sống nội tại của những phố hàng, phố nghề qua từng thời kỳ khác nhau.