Giá trị văn hóa khu phố cổ Hà Nội

Góc phố cổ Hà Nội

Góc phố cổ Hà Nội.


Khu phố cổ Hà Nội, thường được gọi là ”Hà Nội 36 phố phường”, hình thành từ đầu thế kỉ XV, giới hạn bởi phía Bắc là phố Hàng Đậu, phía Nam là các phố Hàng Bông, Hàng Gai, Cầu Gỗ và Hàng Thùng, phía Đông là phố Trần Nhật Duật, Trần Quang Khải và phía Tây là phố Phùng Hưng.

Đây là một quần thể kiến trúc độc đáo với những mái ngói rêu phong cổ kính, những ngôi nhà nhỏ hình ống xen kẽ, hòa quyện vào nhau tạo nên không gian kiến trúc cổ đa dạng, sinh động.

Đặc điểm chung của các phổ cổ Hà Nội là nhiều tên phố bắt đầu bằng từ “Hàng”, tiếp đó là một từ chỉ nghề nghiệp nào đó như Hàng Đào, Hàng Mã, Hàng Thiếc... Khác với các phố cổ khác trên thế giới, phố cổ Hà Nội hiện nay là nơi diễn ra đồng thời nhiều hoạt động của đời sống xã hội.Giá trị văn hóa

Khu 36 phố phường xưa nổi tiếng là đất “ngàn năm văn vật”: “Thứ nhất Kinh kỳ, thứ nhì phố Hiến”, với nhiều hoạt động sôi nổi cả ngày lẫn đêm. Nơi đây, vốn là một trung tâm kinh tế, văn hoá đa dạng. Văn hoá ẩm thực phong phú với nhiều tiệm cao lâu nổi tiếng của người Hoa, tiệm ăn của người Việt...

Do vậy nhìn nhận khu 36 phố phường không nên chỉ đơn thuần là khía cạnh văn hoá vật thể (đánh giá đơn thuần về công trình kiến trúc), mà còn là khía cạnh văn hoá phi vật thể, đó chính là cái hồn của phố cổ.

Hà Nội là đất Kinh Đô ngàn năm văn hiến, nơi hội tụ kết tinh, tinh tuý của mọi miền quê. Di sản văn hoá phi vật thể Hà Nội khá đậm đặc, nó đã phản ánh một cách phong phú, đa dạng và chân thực truyền thống sinh hoạt văn hoá của người Hà Nội.

Một số loại hình của bộ phận di sản văn hóa phi vật thể (như làng nghề, phố nghề, sinh hoạt lễ hội, phong cách sống, ẩm thực...) trong những năm qua đã được sưu tầm, nghiên cứu khẳng định: Văn hoá phi vật thể Hà Nội là tổng hoà các yếu tố giao lưu, hội nhập, dung hoà, tiếp biến, cởi mở, linh hoạt, để tạo nên bản sắc Thăng Long-Hà Nội một vùng đất “hội thuỷ, hội nhân và hội tụ văn hoá vô cùng phong phú và đa dạng”.

Nghề thủ công

Phố cổ Hà Nội là khu vực tập trung nhiều nghề thủ công nhất. Những người dân có thể là thợ thủ công kiêm thương nhân (vừa sản xuất theo kiểu gia công đặt hàng cho khách vừa bày bán một số hàng làm sẵn tại cửa hiệu).

Đó là các thợ thêu (làng Quất Động-Thường Tín-Hà Tây), làm trống (gốc làng Đọi Tam-Hà Nam), thợ tiện (làng Nhị Khê-Hà Tây), làm mành (làng Giới Tế-Bắc Ninh), làm quạt (làng Đào Xá-Hưng Yên), đúc đồng (làng Đại Bái), vàng bạc (làng Định Công)...

Những người thợ thủ công ở khắp nơi mang nghề độc đáo của địa phương mình lên Hà Nội làm ăn, họ lập ra những phố riêng buôn bán sản phẩm của quê huơng mình. Họ thành lập và liên kết với nhau trong các phường, hội để giúp nhau trong cuộc sống cũng như trong việc giữ gìn nghề tổ.

Giữa những người ở Thăng Long-Hà Nội với những người ở quê luôn giữ mối liên hệ chặt chẽ với nhau. Khá nhiều những phường nghề ở Hà Nội đã cùng nhau đóng góp xây đình để thờ vọng Thành Hoàng hay tổ nghề của làng mình.

Trong nhiều năm qua có khá nhiều hội đồng hương của các làng nghề tập trung tại Hà Nội hoạt động rất hiệu quả. Tiêu biểu là hội đồng hương làng gò đồng Đại Bái. Hầu hết những người buôn bán và sản xuất ở phố Hàng Đồng hiện nay là dân làng Đại Bái thuộc huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh.

Có thể nói những phường hội như thế đã giúp cho nghề nghiệp ở quê hương cũng như ở Hà Nội phát triển đồng thời mọi người gắn kết với nhau cùng nhau giữ gìn và phát huy lối sống, những phong tục tập quán tốt đẹp của quê hương mình.

Lễ hội

Lễ hội dân gian Hà Nội cổ truyền có một quá trình lịch sử lâu dài và giữ vai trò của một loại hình sinh hoạt văn hoá cộng đồng quan trọng ở Kinh Đô. Hạt nhân của lễ hội Hà Nội là nghi thức, lễ tiết nông nghiệp, thờ nước, thờ lúa cùng các sản phẩm của cây lúa.

Điều này diễn ra ngay ở nội thành (nhất là khu phố cổ hiện nay), giữa vùng dân cư đông đúc với những lễ tiết nông nghiệp điển hình như “lễ tế xuân ngưu” với tục “Đả xuân ngưu” của phường Đông Hà xưa mà không gian của lễ hội trải dài trên các phố từ Hàng Chiếu đến tận Hàng Gai bây giờ.

Lễ hội cổ truyền Hà Nội còn đậm đà màu sắc lịch sử, bởi không đâu khác Hà Nội là trung tâm, là nơi tập trung các nhân vật lịch sử và những sự kiện lịch sử, những dấu ấn lịch sử của môi trường văn hoá đô thành.

Lễ hội dân gian xưa của Hà Nội chiếm vị trí quan trọng và có tác động tích cực, sâu sắc đến đời sống tinh thần, đời sống văn hoá của người Hà Nội. Thông qua lễ hội và trong lễ hội mọi hành động đều chứa đựng ý nghĩa thiêng liêng đặc biệt. Nó là thời điểm gắn bó các thành viên của cộng đồng lại với nhau.

Một khía cạnh văn hiến trong khu Phố cổ Hà Nội là tâm linh hướng tổ, tức lòng ngưỡng mộ tổ tiên, hướng về cội nguồn. Dù ở bốn phương qui tụ về đây nhân dân vẫn luôn nhớ về làng quê gốc cũ.

Sự hiện diện của nhiều đình đền gọi là “vọng từ, vọng đình” đã chứng minh điều đó như Nhị Khê vọng (phố Hàng Hành), Trâu Khê vọng đình (phố Hàng Giày), hai đình Hàng Bạc ở phố Hàng Bạc (số 42 và 50), hai đình Hàng Giày ở ngõ Hài Tượng và ở phố Hàng Hành, đình Hàng Quạt (Hàng Quạt), đình Thợ Thêu (ngõ Tạm Thương), đình Thợ Nhuộm (phố Hàng Đào), hai đình thợ Rèn (phố Lò Rèn và Lò Sũ)...

Những di tích, lễ hội trên cho thấy sức hút của kinh đô Thăng Long và khu Phố Cổ đối với các tỉnh khác của cả nước, đồng thời thể hiện một khía cạnh đáng yêu, đáng quí của tâm hồn dân tộc, tình lưu luyến quê hương xứ sở, trước sau như một, tình làng nước, đoàn kết giữa những người cùng một quê hương.

Khu Phố Cổ chính là nơi đã lưu giữ, ngoài những công trình văn hoá còn có nhiều giá trị tinh thần mà ngày hôm nay có thể giúp chúng ta nhìn ra những khía cạnh khác nhau của tâm hồn người Thăng Long xưa để lựa chọn, thừa kế, xây dựng một khu Phố Cổ trong lòng thành phố Hà Nội.

Đình, Đền, Chùa

Một trong những đặc trưng nổi bật của khu "36 phố phường" là sự kết hợp hài hòa giữa nhà ở, cửa hàng và các công trình tôn giáo tín ngưỡng đình, đền và chùa.

Đình xuất hiện vào khoảng thế kỷ XV, là một trong những đặc trưng của mỗi làng xóm ở Việt Nam. Đình là nơi tôn nghiêm thờ vị Thành Hoàng làng sáng lập ra phường hoặc làng hay các vị anh hùng khác. Đình cũng là nơi hội họp dân làng khi có các hoạt động và công việc của làng.

Trong khu vực "36 phố phường" các ngôi đình cho ta hiểu hơn về quá trình mở rộng khung cảnh đô thị được phát triển dần dần qua sự hợp thành của các phường hội, làng, xóm. Đền là nơi thờ các vị anh hùng dân tộc hay các vị thần khác, còn chùa là nơi để thờ Phật.

Trong khu Phố Cổ có một số đình, đền như Đình Đồng Lạc số 38 Hàng Đào, đình Đại Lợi số 50 Gia Ngư, đình Trang Lâu số 77 Nguyễn Hữu Huân, đình Đông Hà số 46 Hàng Gai... Một di tích nữa chứng minh lịch sử lâu đời và đồng thời cũng là một khía cạnh của tâm linh người Hà Nội thời cổ sơ là đền Hương Nghĩa, số 13B phố Đào Duy Từ. Đền thờ Cao Tử, em con chú ruột ông Cao Thông, tức Cao Lỗ, người đã chế tạo ra chiếc nỏ thần giúp vua Thục An Dương Vương đánh quân xâm lược Triệu Đà. Trong khu Phố Cổ còn có đền thờ Tản Viên.

Trong khu phố cổ có Đền Bạch Mã thờ thần Long Đỗ ở phố Hàng Buồm, một trong “tứ trấn” của kinh thành Thăng Long. Theo truyền thuyết, Lý Công Uẩn khi chuyển kinh đô từ Hoa Lư ra Thăng Long nhiều lần xây đắp thành không xong, nên đã lập đàn cầu đảo. Sau đó, nhà vua thấy hiện ra một con ngựa trắng đi vòng quanh khu vực định xây thành rồi đi vào trong đền và biến mất. Lý Công Uẩn dựa theo dấu vết chân ngựa nên đã xây thành thành công. Con ngựa trắng đó là thần Long Đỗ hiện lên giúp vua Lý xây thành, được vua đặt tên là Bạch Mã. Vua xuống chiếu phong thần Long Đỗ làm Thành hoàng, thờ tại đền Bạch Mã.

Các dòng họ Hà Nội

“Uống nước nhớ nguồn” từ lâu đã là một đạo lý Việt Nam, từ vô thức, tiềm thức đến ý thức. Con người ta luôn có nhu cầu muốn biết về cội nguồn của mình. Đó là gốc rễ tình cảm-tính người về sự trở lại cội nguồn. Đồng thời nó còn có nguyên nhân xã hội-tâm linh sâu rộng hơn.

Các dòng họ ở Hà Nội rất nhiều, qua kết quả điều tra hiện có tới hơn 200 dòng họ khác nhau ở Hà Nội và những vùng phụ cận. Trong đó nổi lên rất nhiều dòng họ tiêu biểu như họ Nguyễn-Kim Lũ, Họ Vũ-Đan Loan với nghề nhuộm nổi tiếng cùng sáu họ khác ở Xứ Đông sáng lập khu ngõ Phất Lộc, rất thạo kinh doanh. Ngõ Phất Lộc còn là nơi gợi hứng bất tuyệt góp phần hình thành một phong cách nghệ thuật “Phố Phái” (Bùi Xuân Phái) của Phố Cổ Hà Nội…

Giá trị kiến trúc và cảnh quan

Các giá trị văn hoá của khu Phố Cổ Hà Nội được nhận biết đồng thời qua các đặc trưng hình thái kiến trúc, cảnh quan đô thị, phương thức tổ chức, đặc thù về hoạt động kinh tế xã hội và văn hoá của cộng đồng dân cư. Đặc trưng văn hoá đô thị Hà Nội dễ dàng được cảm nhận trong cấu trúc chức năng và không gian “36 phố phường”, thông qua các công trình kiến trúc có giá trị lịch sử.

Đặc điểm dân gian thể hiện rất rõ trong cách tổ chức khu phố trên cơ sở đơn vị phường nghề với phương thức sản xuất, tổ chức xã hội và các thiết chế văn hoá, tín ngưỡng và đương nhiên là cả cách thức xây dựng có nguồn gốc từ nông thôn.

Phố xuất hiện sau phường do nhu cầu trao đổi thương nghiệp tăng dần. Phố là bộ phận của phường, thuộc về phường và là bộ mặt của phường. Đồng thời phố là thành phần liên kết các phường khác nhau trong mối quan hệ hỗ tương và tạo nên một mạng lưới. Đó là cấu trúc đô thị.

Sự hình thành tuyến phố quyết định sự hình thành ô phố. Sở dĩ mạng lưới đường phố và ô phố trong khu 36 phố phường có kích thức nhỏ và không đồng đều về hình dạng bởi vì quá trình hình thành và phát triển phường, phố là quá trình mang tính tự phát, phát triển theo nhu cầu, dường như không dự kiến trước và hoàn toàn bị chi phối bởi điều kiện địa hình tự nhiên. Các tuyến phố hình thành từ chính những con đường nhỏ vốn kiêm chức năng thuỷ lợi thường có hình dáng tự nhiên, quanh co.

Việc hình thành các đơn vị phường đã tác động tới kiến trúc của khu Phố Cổ. Chúng ta có thể thấy điều này qua sự phát triển của các nhà hình ống đó là nhà dài có mặt tiền hẹp gọi là nhà ở hàng phố, phòng quay ra phố dùng làm cửa hàng và làm hàng. Nhà ở trong khu “36 phố phường”có đặc trưng mặt tiền hẹp và chiều sâu nhà rất dài vì thế có tên gọi phổ biến là “nhà hình ống”.

Phần lớn các kiểu nhà truyền thống (mà ngày nay chúng ta vẫn có thể thấy trong khu vực phố cổ) được xây từ cuối thế kỷ XIX hoặc được xây dựng lại vào đầu thế kỷ XX. Nhà hình ống quay mặt ra mặt phố, chiều rộng trung bình của mặt tiền từ 2-4m, trong khi đó chiều dài có thể từ 20-60m và có một số trường hợp lên tới 150m. Nhà có nhiều lớp và cách nhau bằng những sân trong, các sân trong thông thoáng để lấy ánh sáng tự nhiên. Sân trong còn là nơi diễn ra các hoạt động đa năng của nhà. Ngoài sân trong, trong các ngôi nhà này trước đây còn có các mảnh vườn nhỏ.

Trong khu phố cổ ngoài nhà ở buôn bán của dân cư hiện còn 54 ngôi đình, 6 chùa, 22 đền, 3 miếu tổng cộng là 85 công trình tôn giáo tín ngưỡng. Phần lớn các công trình mang dấu ấn của các thời xưa. Với lối kiến trúc truyền thống dựng từ gỗ, gạch với các hệ kết cấu vì kèo gỗ của nhiều thời kỳ, các không gian đình, đền, chùa... là các không gian tâm linh mang tính cộng đồng, nó có mối quan hệ vô hình với các không gian tâm linh riêng của từng ngôi nhà, trong khu 36 phố phường.

Các không gian văn hoá cổ này từ khi xây dựng đến nay vẫn đang hoạt động, và ngày nay với xu thế quay về với triết học phương Đông, coi trọng tâm linh, các không gian văn hoá cổ đã góp phần tạo nên đặc trưng của khu 36 phố phường