Phố cổ Hà Nội |
Giữa Thăng Long - Hà Nội nghìn năm văn hiến vẫn còn đâu đó những không gian phố cũ "36 phố phường" đi sâu vào tâm thức của biết bao thế hệ người Việt.
Cuộc sống chật chội, xô bồ của khu dân cư vốn dĩ đông đúc bậc nhất Thủ đô giờ đây đang chuyển mình với những phương án cải tạo, gìn giữ và bảo tồn nét văn hóa sống riêng mà chỉ "phố cổ" Hà Nội mới có được. Ấy vậy, sự thay đổi đó có thật sự đem lại những gì cho bản thân người dân vốn đã gắn liền cuộc đời họ với những mưu sinh vất vả nơi này?
Phố cổ hay "phố cũ" ?
"Nơi tôi sinh Hà Nội. Ngày tôi sinh, một ngày bỏng cháy. Ngõ nhỏ, phố nhỏ, nhà tôi ở đó..." - cái ngõ nhỏ, phố nhỏ trong câu hát của nhạc sĩ Lê Vinh từng trở đi, trở lại, day dứt trong tâm khảm những người Hà Nội và những người đã nặng lòng yêu Hà Nội ấy, chính là "hộ khẩu" bao đời mà mỗi người con đất Hà thành vẫn tự hào đón nhận. Mấy ai may mắn được sinh ra và lớn lên ở "phố cổ". Phần vì phải là cư dân gốc gác, sống rất nhiều thế hệ nơi kinh kỳ đô hội mới có cái diễm phúc đó. Phần vì nhà ở "phố cổ" quá chật hẹp, sống chồng lấn và quây quần lấy nhau trong từng ngóc ngách sâu hun hút. Đến thời kỳ hiện đại hôm nay của Thủ đô mới văn minh, vẫn tồn tại những nét quá khứ quyện lấy cuộc sống người dân trong khu phố nội đô. Cũng bởi khu vực này lại là chốn mưu sinh, nơi mà người ta có thể chấp nhận sống chật chội, sống như thời "bao cấp" nhưng lại bảo đảm cuộc sống cho bản thân, cho gia đình và những thế hệ kế tiếp, cho dù chỉ vài mẹt hàng, vài quán nhỏ tự phát liêu xiêu.
Nhưng có một điều, đến giờ mà nhiều người và ngay cả bản thân những cư dân "phố cổ" cũng lạ lẫm, không mấy để tâm, chính là vì sao từ bao đời nay họ vẫn gọi khu vực rộng gần 100 ha gồm 76 tuyến phố (theo quyết định số 70 BXD/KT-QH ngày 30-3-1995 của Bộ Xây dựng) là "phố cổ"? Đây cũng là vấn đề mà nhiều nhà nghiên cứu về lịch sử và kiến trúc nội đô vẫn thường xuyên tranh luận, dẫu biết thương hiệu "phố cổ" đã ăn sâu vào tiềm thức và vốn đã trở thành một điểm đến văn hóa hấp dẫn không chỉ còn trong phạm vi Hà Nội hay Việt Nam. GS, TS, KTS Hoàng Đạo Kính cho biết: "Một điều rõ ràng mà không phải chúng ta chưa bao giờ nhắc đến chính là việc Hà Nội không có phố cổ mà chỉ có phố cũ bởi độ tuổi của những ngôi nhà trong khu vực này mới chỉ hơn 100 năm". Đàm đạo khá nhiều về vấn đề này trên các diễn đàn văn hóa lịch sử, có một bạn đọc chia sẻ rằng: "Những ngôi nhà trong khu "36 phố phường" của chúng ta được gọi là phố cổ thì những khu phố như khu Ghi-ông của các Gây-sa trong lòng cố đô Ki-ô-tô Nhật Bản (hơn 1.000 năm tuổi) thì phải gọi là phố cụ, phố kỵ mất".
Bỏ qua những đắn đo về tên gọi nào đó cho chuẩn xác, chỉ biết bây giờ người ta vẫn quá quen với việc gọi chung hết những con phố ngày đó thành khu phố cổ và hầu hết tất cả đều chấp nhận. Phố cũ hay phố cổ, "người cũ" hay "người cổ" đều phải chấp nhận một cuộc sống vốn bất biến ngay giữa lòng những sự cũ kỹ của thời gian trong từng căn nhà, trên từng bức vách. Một cuộc sống mà thật sự, là chấp nhận hoàn cảnh để tiếp tục sinh tồn.
Văn hóa sống và sự mưu sinh
Người ta vẫn hay thường nhắc đến phố cổ Hà Nội như một khu vực sầm uất buôn bán. Nó chính là một tính chất xã hội đặc trưng dần trở thành nét văn hóa, bởi từ rất lâu, lịch sử đã chứng minh cái tính chất "Kẻ Chợ" ấy gắn bó quá sâu sắc với cuộc sống của người dân. Nhà văn Tô Hoài từng nói trong "Chuyện cũ Hà Nội" rằng: "Bộ mặt đời sống xã hội của một vùng là cái chợ. Chữ "kẻ" đó là một từ cổ, chỉ một vùng. Lại cũng chỉ là một nơi đô hội, như Kẻ Chợ cũng là Thăng Long - Hà Nội". Trên thực tế lịch sử phát triển, khu "phố cổ" Hà Nội đã từng bước hiện đại hóa dần tính chất "Kẻ Chợ", nhưng luôn giữ nguyên nét văn hóa sống và mưu sinh lâu đời. Tính chất sầm uất và buôn bán vồn vã dù nhỏ lẻ từ rất lâu đã tạo nên nét đặc trưng cũng như hấp dẫn với rất nhiều khách du lịch trong và ngoài nước.
"Muốn không đói ra Kẻ Chợ, đừng lên rợ mà chết", câu phương ngôn đó đến nay vẫn đúng. Đi bộ dọc các phố Hàng Ngang, Hàng Đào, Hàng Bạc, Hàng Buồm, Tạ Hiện,... chẳng khó gì để bắt gặp những ngõ ngách sâu hun hút với những ánh đèn le lói nhưng bên ngoài vẫn là phố xá sầm uất và tràn ngập nghiệp bán buôn. Thậm chí người ta còn bán quần áo, còn bán cả vàng bạc... ngay trên hai vách tường cái ngõ heo hút đó. Người khác như chị Vân bán nước trên phố Hàng Cân thì hằng ngày dù nắng hay mưa vẫn lặn lội dọn hàng ra góc đường để mở sạp. Chị bán hàng ở đây đã gần 15 năm và nuôi đủ ba đứa con trưởng thành đến ngày có gia đình. Nhưng đó là một trong những người may mắn. Chúng tôi lân la ở con phố Tạ Hiện, "phố bia" nổi tiếng thu hút cả người trẻ bản địa lẫn khách du lịch thì không thiếu những người bán hàng rong chạy qua chạy lại để chào mời khách. Trong số đó, không ít người là cư dân gốc của phố cổ. Chị Trần Thị Loan, 53 tuổi, nhà ở phố Mã Mây với giỏ hàng bán trứng vịt lộn "di động" vẫn thường xuyên bán từ đây đến khu vực chân cầu Long Biên. Thậm chí, có số điện thoại liên lạc, khách cũng yêu cầu chị mang bán tận nơi. Chị Loan nói, bán bảy nghìn đồng/quả trứng thì lời được hai nghìn đồng, mỗi ngày bán được giỏi lắm 30-40 quả trứng vịt lộn, nhưng chạy suốt nên mệt lắm, chỉ tiếc là không có vài mét vuông đất để ngồi bán gần nhà. Nói thì nói vậy, chị vẫn là lao động chính trong một căn nhà có tới sáu miệng ăn chật hẹp chưa đầy 20 m2 ở Mã Mây.
Sinh ra và lớn lên ở Hà Nội cũng như từng dành rất nhiều thời gian để quan sát và cảm nhận hơi thở cuộc sống nơi "phố cổ"; nhà báo, nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến từng viết: "Ở nhiều phố, có hộ chật đến mức ngày giỗ cha, mấy chục con cháu phải ăn rải từ sáng đến chiều mới xong. Tôi đã từng ăn Tết đứng ở phố Hàng Đào vì nhà quá chật. Chuyện vệ sinh thì không chỉ thời bao cấp mà bây giờ vẫn dở khóc, dở cười. Bạn tôi ở đầu Hàng Buồm, lúc nhỏ bị mẹ huấn luyện phải ngồi bô vào tầm trưa để không phải chờ đợi nếu đi vào buổi sáng. Nhiều nhà chật nhưng không có khả năng mua nhà mới nên con trai lấy vợ chỉ còn cách làm gác xép. Gác xép chỉ cách sàn nhà chừng hơn một mét, ban đêm có cả đống người ngủ ngay phía dưới nên khổ cho cặp vợ chồng kia cứ phải nhẹ nhàng như kẻ trộm. Bây giờ vẫn thế". Nếu sống và hiểu nơi "phố cổ" thì những câu chuyện như trên chẳng có gì lạ lẫm. Nhiều người nói sống vậy khổ. Nhiều người thắc mắc vì sao những cư dân ở đây có thể chấp nhận được cuộc sống khó khăn, chật chội?
Câu trả lời là mưu sinh, là sự linh hoạt trong hoàn cảnh sống bắt buộc. Thời gian đã biến nó thành phép tính bình thường. Sự cộng sinh giữa hoàn cảnh sống và sự thích nghi đã giúp họ xử lý mọi vấn đề một cách "dễ chịu" nhất có thể. Ông Lưu, nhà ở sâu trong ngõ Lương Ngọc Quyến, nằm ngay sát phòng vệ sinh công cộng cuối ngõ mới được sửa lại từ cách đây mười năm trông còn mới và sạch sẽ. Hằng ngày, gia đình ông cũng như hàng chục hộ dân khác vẫn chia nhau cái nhà vệ sinh đó một cách "đồng cảm". Nhưng giờ, ông bắt đầu thu tiền phí "đi vệ sinh" của khách uống bia ngoài đường để tăng thêm "thu nhập". Chẳng biết người ta cho phép người đàn ông này làm việc "kinh doanh" đó không nhưng ai "có nhu cầu" đều phải mất hai nghìn đồng/lượt. Ai không biết, "đi" xong "chạy" ra mất thì ông gọi lại bằng được thì thôi...
Dòng đời cứ thế diễn ra, sống và mưu sinh cùng phố cổ đã tồn tại một cách bình thường suốt nhiều đời của hàng bao gia đình. Số nhà 53 Hàng Buồm, có gần 50 hộ với trên dưới 200 nhân khẩu đang sinh sống và người ta đã thành lập một tổ dân phố ngay trong số nhà này. Sự ẩm mốc và bức bối chật hẹp cũng chỉ là "món gia vị quen thuộc" trong cuộc sống vốn vẫn diễn ra bất biến ở đây nhiều đời. Có chăng, chỉ những vị khách qua đường hay những người chưa hiểu và quan tâm mới thở dài đầy cảm thông chứ thực ra, người dân họ cũng chẳng còn thì giờ để nghĩ, để "tủi thân" vì trước mặt họ là cuộc sống mưu sinh hằng ngày.
Đi, ở và được, mất
Gần mười năm qua, dân số khu vực "phố cổ" không thay đổi đáng kể bởi từ tháng 12-2005, dân số khu vực này khoảng 6,6 vạn người (Đi Ngang Hà Nội - Nguyễn Ngọc Tiến) và đến năm 2010 vẫn xấp xỉ con số đó (theo TTXVN). Tuy nhiên, nếu diện tích khu phố cổ giảm từ 100 ha xuống còn 81 ha theo quy hoạch mới thì rất có thể dân số khu vực này sẽ giảm đi nhưng không đáng kể và mật độ dân số vẫn dày đặc (815 người/ha). Hơn thế, hiện trong khu phố cổ đang có hơn 1.600 hộ dân sống trong các căn hộ xuống cấp nguy hiểm và đặc biệt có rất nhiều nhà đông hộ gia đình sinh sống.
Chính vì vậy, theo Quy hoạch di dân phố cổ (dự kiến có ba đợt) đang được thực hiện, để giảm mật độ dân cư khu vực phố cổ xuống còn 500 người/Ựha, quận Hoàn Kiếm phải di chuyển khoảng 6.550 hộ dân với khoảng 26.200 người. Địa điểm di dân rộng khoảng 11 đến 12 ha thuộc Khu đô thị mới Việt Hưng, bước đầu xây dựng 15-20 khối nhà cao tầng (mỗi khối nhà có 100 căn hộ). Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Nguyễn Quốc Hoa cho biết: dự kiến đến năm 2014-2015, thành phố Hà Nội sẽ di chuyển khoảng 1.800 hộ sống trong các khu liền kề di tích, trường học, công sở, nhà đông hộ gia đình và nhà cổ có giá trị đặc biệt cần bảo tồn trong khu "phố cổ" sang Khu đô thị mới Việt Hưng, quận Long Biên. Muốn làm được điều này đòi hỏi cần có sự đồng thuận, nhất trí của người dân mà việc quan tâm nhất, dù đi hay ở vẫn là sự bảo đảm cuộc sống và thu nhập mưu sinh. Chị Vân bán nước trên phố Hàng Cân nói: "Nếu chuyển đi nơi khác thì chúng tôi có chỗ mà buôn bán để sống không? ở đây gia đình tôi sống chật hẹp, khó khăn nhưng ít ra vẫn có nơi kiếm sống, có thu nhập để duy trì cuộc sống. Không biết có phải di dời không nhưng nếu thu nhập không được như trước thì không bao giờ chúng tôi đồng ý". Đó là một trong những luồng ý kiến trái chiều khi mà dự án di dân đang từng bước được thực hiện. Tuy nhiên, khó không phải là không làm được. Giờ đây, đã đến lúc người dân "phố cổ" phải bắt đầu nghĩ đến việc làm sao để thay đổi cuộc mưu sinh vì mục đích chung là bảo tồn văn hóa, phát triển chất lượng cuộc sống cho cả bản thân, gia đình và xã hội nói chung.
Song bên cạnh đó, các nhà quản lý, các nhà văn hóa cũng cần chung tay tìm kiếm một "tiếng nói" hợp tình, hợp lý để văn hóa sống và sự phát triển kết hợp hài hòa. Đừng quên những gì mà "phố cổ" đã và đang đem lại cho người dân và cách mà họ tạo nên một cảnh quan văn hóa sống đặc trưng, trở thành thương hiệu hấp dẫn du lịch. Di dân nhằm bảo đảm cuộc sống của người dân tốt hơn, nhưng không vì thế làm mất đi đặc sắc văn hóa hiện có. Chỉ có xuất phát từ cuộc sống, xuất phát từ suy nghĩ và quyền lợi của người dân thì chúng ta mới thực hiện được. Chợt nhớ nhà văn Thạch Lam từng viết cách đây hàng chục năm: "Để cho những người mong ước kinh kỳ ấy, và để cho những người ở Hà Nội, chúng ta khuyến khích yêu mến Hà Nội hơn. Chúng ta nói đến tất cả những vẻ đẹp riêng của Hà Nội, khiến mọi sự đổi thay trong ba mươi sáu phố phường đều có tiếng vang ra khắp mọi nơi".